Site in English

Bản tiếng Anh

Bộ gõ chữ Việt và chữ nhiều nước khác cho Windows

 

Lịch sử WinVNKey

 

WinVNKey là viết tắt của chữ Windows-based Vietnamese Keyboard driver, một phần của phần mềm hệ thống Windows mở rộng khả năng để hỗ trợ gõ chữ Việt, và gần đây, gõ chữ Nôm chữ Hán cũng như ký tự của các nước khác. Nó được ra đời lần đầu tiên vào năm 1992 bởi nhóm thảo chương TriChlor trong nỗ lực nhằm chứng minh rằng có thể thiết kế một bộ chữ tám bit cho chữ Việt để dùng trong mọi tình huống.

Windows 3.1 được phát hành chỉ mới một năm trước, là năm 1991. Phần mềm gõ tiếng Việt thiết kế cho Windows 3.1 rất là hiếm bởi vì sự phát triển Windows khi ấy rất khó khăn. WinVNKey 1.x, phát hành cho công chúng vào năm 1992, đã nhanh chóng chiếm một số lượng lớn người dùng trên khắp thế giới vì sự đơn giản của giao diện và phương pháp gõ trực quan được gọi là VIQR. Từ đó, WinVNKey đã phát triển thành một bộ gõ đa ngôn ngữ. Các phiên bản mới nhất là phiên bản 5.0, thu hút một số lượng lớn người dùng không phải là người Việt Nam vì nó cho phép người dùng gõ được các ký tự của nhiều nước trên bàn phím Latin (Anh, Mỹ, v.v).

  

WinVNKey 1.x

 

Công lao lớn nhất dành cho người thiết kế tiên phong Nguyễn Tấn Cường. Lúc đó, ông là sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tại Đại học Stanford, California. Những người đóng góp tích cực khác là Vũ Châu, Bùi Minh Cương, Ngô Đình Học, Tom T. Trương. Châu, làm việc tại Microsoft, trợ giúp trong việc lập trình. Cương và Tom đóng góp vào chi tiết kỹ thuật. Học đã đóng góp một kiểu thuật toán kết hợp cực kỳ nhanh và kích thước rất nhỏ. Một số người khác đóng góp cho việc thiết kế phông chữ VISCII. Trong số bảy phông chữ Viscii cơ bản ban đầu được phát hành cho WinVNKey 1.x, năm phông chữ True Type (Minh Quân, Hoàng Yến, Phương Thảo, Tha Hương, U Hoài) được thiết kế bởi Bùi Minh Cương, một phông chữ True Type (Heo May) do Nguyễn Tấn Cường, và phông hệ thống (System VISCII 1.1) do Học, Cường, và các thành viên của Hội Chuyên Gia Việt Nam (VPS).
 

Ngay sau khi phát hành 1.1, Hồ Phước Hùng đã dẫn đầu với nỗ lực rất lớn trên internet nhằm thiết kế hàng trăm phông chữ VISCII, đượcđặt tên chủ yếu bằng tên các loài hoa và bắt đầu bằng hai chữ cái đầu tiên của VISCII (ví dụ, VI Thiên Lý, VI Anh Đào, v.v.). Những phông chữ này đã giúp phổ biến rộng rãi WinVNKey và các phông chữ VISCII đến người dùng chữ Việt trên toàn thế giới.

 

WinVNKey 2.x

 

Sau khi Cường tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ tại trường đại học HongKong năm 1993, dự án được giao lại cho Nguyễn Doãn Vượng, một chuyên viên nhiệt tình về lập trình Windows ở thung lũng Silicon. Vượng có những đóng góp đáng kể trong việc cải thiện giao diện thân thiện cho người dùng, thêm tính năng mới như tra hỏi/ngã (hook-above/tilde), chuyển đổi mã chữ Việt, và màn hình chữ Việt. Trong thời kỳ này, WinVNKey đã phát hành một số phiên bản 2.x, hỗ trợ cả 16-bit và 32-bit như Windows 3.1, Windows 95, Windows NT 3.5x/4.

 

WinVNKey 3 & 2000

 

Năm 1997, TriChlor được tăng cường thêm Nguyễn Thư, một kỹ sư nhiều năng lực về phần mềm Windows. Anh đảm nhiệm việc thiết kế lại giao diện WinVNKey và hỗ trợ cho Unicode. Sự hợp tác giữa Thư và Vượng lên đến đỉnh điểm trong WinVNKey 3 và WinVNKey 2000, vì có thể hỗ trợ Unicode trong một số ứng dụng.

 

WinVNKey 4

 

Trong khi đó, Ngô Ðình Học đã thực hiện việc hỗ trợ Unicode cho hệ thống mạng Unix/Linux, gắn vào thiết bị lưu trữ tại công ty Quantum từ năm 2001. Qua việc thiết kế bộ gõ tiếng Việt cho máy Macintosh (MacVNKey) vào năm 1995, hỗ trợ nhiều phương pháp gõ linh hoạt, ông quyết định đẩy WinVNKey đến một cao độ khác bằng cách nhập các thuật toán của MacVNKey vào WinVNKey và mở rộng các tính năng của WinVNKey, đồng thời bổ sung thêm chức năng hỗ trợ gõ đa ngôn ngữ. Những nỗ lực của ông đã chuyển đổi WinVNKey thành một bộ gõ đa ngôn ngữ, có thể hỗ trợ tất cả các bộ chữ (bảng mã) đang có trên thế giới, bao gồm Unicode.

Phiên bản đa ngôn ngữ đầu tiên là WinVNKey 4.0 beta1, được phát hành vào tháng 8 năm 2002 sau một năm phát triển. Trước tiên, nó hỗ trợ hơn 30 bộ chữ Việt và 45 bộ chữ quốc tế, nhưng thiết kế linh hoạt của WinVNKey cho phép người dùng tạo thêm các bộ chữ khác mà không cần sửa đổi bổ sung. Nó cũng cung cấp một phương pháp gõ thân thiện cho người sử dụng để nhập các ký tự đa ngôn ngữ trên bàn phím Mỹ. Ngoài ra, phiên bản WinVNKey này cũng cấp một phương pháp độc đáo để gõ chữ Hán Nôm cho những người dùng đã biết chữ Việt viết bằng chữ Latin (chữ quốc ngữ).

 

WinVNKey 5

 

Phiên bản phát hành tháng Giêng năm 2005 có phương pháp thông minh gõ chữ Việt và các macro thông minh biết được khi nào thì kết hợp hoặc không kết hợp dấu phụ tùy thuộc vào ý người dùng muốn có: sửa đúng chữ cái, sửa đúng vần, sửa đúng chữ, hoặc sửa đúng cách phát âm. Những tính năng thông minh này thực hiện được bởi do một công cụ nhỏ gọn bên trong kiểm tra chính tả cực kỳ nhanh. Điều này cũng cho phép WinVNKey hỗ trợ sự suy đoán các bộ chữ ở văn bản trơn và sự phục tạo nhanh chóng chữ Hán Nôm dựa trên chữ Việt viết bằng chữ Latin.
 

Phiên bản này cũng hỗ trợ hoán đổi tập tin RTF dựa trên tên các phông chữ, chứ không phải các bộ chữ. Mỗi tên phông chữ được kết hợp với một tập tin hoán đổi trong văn bản trơn. Người dùng có thể chỉnh sửa các tập tin hoặc tạo ra những tập tin mới để hỗ trợ hoán đổi qua phông chữ mới. Họ có thể làm điều này một cách thủ công hoặc thông qua các hộp hội thoại (dialogs).
 

Ngoài ra, WinVNKey hỗ trợ bàn phím có các phím chết. Người dùng có thể biến tất cả các phím chết thành phím thông thường để gõ dấu phụ sau khi gõ nguyên âm gốc.

 

Sự hỗ trợ chữ Hán-Nôm được tăng cường. Cơ sở dữ liệu đã được chia riêng rẽ thành chữ Hán và chữ Nôm. Các tập tin cơ sở dữ liệu được cung cấp ở dạng văn bản trơn để có thể chỉnh sửa trực tiếp nhằm sửa hoặc xóa các lỗi, hay tạo thêm các chữ mới. WinVNkey cung cấp tùy chọn để xây dựng lại cơ sở dữ liệu thành hai phần cho việc sử dụng sau cùng. Người dùng có thể thiết lập sự đăng ký của họ để hỗ trợ các ký tự thay thế thông qua hộp hội thoại.
 

Bản phát hành này ban đầu dự định được xem là phiên bản cuối cùng của WinVNKey 4.0 bởi vì tất cả các phiên bản trước được đặt tên là beta. Nhưng những thay đổi trong thiết kế UI và các tính năng rất là phong phú, vì vậy tốt hơn là nên gói nó thành một bản phát hành chính.

 

Tóm tắt

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

 

- Phiên bản 5.x, 32-bit (2005-2010): Ngô Đình Học (hoc96@yahoo.com) -- Phiên bản này được phát triển cho các hệ điều hành Windows dựa trên nền NT như NT 3.x/4, 2000, XP, 2003, Vista, 2008, v.v. Trọng tâm của phiên bản này là hỗ trợ rất nhiều chức năng thông minh như sau:

 

  • Hỗ trợ gõ chữ Việt trong hầu hết các ứng dụng trên Windows như MS Office, Internet Explorer, Wordpad, Notepad, pidgin, gaim, firefox, thunderbird, v.v.
  • Hỗ trợ bỏ dấu chữ Việt một cách tinh khôn cho các từ đơn âm (như Hùng Vương) hoặc đa âm (như Inđônêxia), cho phép gõ dấu vào bất kỳ chỗ nào trong vần, có thể kiểm soát chính tả cho từ đơn và một số từ phức.
  • Hỗ trợ rất nhiều loại macros, trong đó có loại vần lười và từ lười là loại macro chỉ bung ra khi kết quả tạo thành là một từ Việt hợp pháp (như Hùng) hoặc một từ trung gian hợp pháp (như Vưong là cụm chữ trung gian của Vương).
  • Hỗ trợ nhập chữ Hán Nôm bằng âm Việt, Pinyin, Tứ Giác Hiệu Mã, hoặc Thương Hiệt. Có thể dùng âm Việt của từ kép bằng cách viết dính liền các từ, như anhhùng.
  • Dùng cơ sở dữ liệu chữ Hán và chữ Nôm với số lượng chữ tương đối đầy đủ. Có hỗ trợ gõ chữ Hán dùng trong kinh sách Phật Giáo.
  • Cơ sở dữ liệu Hán/Nôm được lưu giữ ở dạng văn bản trơn, do đó, người dùng có thể tự cập nhật hóa để thêm chữ mới hoặc sửa chữ sai.
  • Hỗ trợ hiển thị chữ Unicode kép, hỗ trợ cài đặt registry cho chữ Unicode kép, v.v.
  • Gõ chữ Nhật Katakana và Hiragana, v.v.
  • Có thể hoán đổi bảng mã cho văn bản trơn (plain text) khi không biết mã nguồn.
  • Hoán đổi văn bản định dạng RTF một cách tinh khôn dựa vào tên phông trong tệp nguồn chứ không cần tên bảng mã. Người dùng chỉ cần qui định phông nguồn nào sẽ biến thành phông đích nào mà thôi.
  • Hỗ trợ hoán đổi đoạn chữ bôi đen (selected text) trực tiếp ngay trong các ứng dụng (đổi chữ hoa/thường, đổi bảng mã, v.v.) bằng cách nhấn thả phím CTRL rồi nhấp chuột phải để hiển thị menu gồm nhiều chức năng hoán chuyển.
  • Hỗ trợ phím nóng, phím chết, phím undo, phím trắng vô hình, các chuỗi phím đặc biệt để hoán chuyển, v.v.
  • Hỗ trợ điều chỉnh WinVNKey cho từng ứng dụng một. Các thông số sau đây có thể áp dụng cho từng ứng dụng: chế độ bàn phím, cách xuất chữ, sửa lỗi macros.

 

Xin chân thành cám ơn các bạn sau đây đã góp phần thử nghiệm beta và báo lỗi (theo thứ tự abc):

Trần Tư Bình, Nguyễn Văn Danh, Bùi Khương Duy, Lê Hưng, Thái Jasper, Nguyễn Khải, Thanh Không (Ko Masaki), Phạm Kim Long, Trần Tiến Ngọc, Xương Rồng, Lê Sơn Thanh, Nguyễn Văn Thành, Lương Ngọc Thi, Trần Timothy, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Tony, Nguyễn Đức Trọng, và rất nhiều người khác nữa.

 

Riêng về cơ sở dữ liệu Hán Nôm, xin chân thành tri ơn ông Lê Sơn Thanh (học giả chữ Nôm và Hán), Đặng Thế Kiệt (đồng tác giả của tự điển trực tuyến Hán Việt Thiều Chửu), Nguyễn Ngọc Tiến, Lê Hưng.

 

- Phiên bản 4.x, 32-bit (2001-2004): phiên bản đầu tiên hỗ trợ gõ chữ đa ngữ, kể cả bộ chữ Unicode và tất cả các bộ chữ Việt Nam đã được biết cho đến hiện nay. Hỗ trợ cho tất cả các phiên bản của Windows NT 3.x, 4, 2000, XP, 9X/ME.

Những người đóng góp cho phiên bản 4.x là:

  • Ngô Đình Học (Winvnkey-users@lists.sf.net, hoc96@yahoo.com): lập trình viên chính.
  • Lê Thức David (dle95035@yahoo.com): đóng gói (installation packaging).
  • Thomas Menath (tmenath@infonegocio.com): dịch giao diện sang tiếng Ðức và tham gia thử nghiệm tìm lỗi.
  • Bình Anson (budsas@arach.net.au): cung cấp macro gõ chữ Pali-Sankscrit và tham gia thử nghiệm tìm lỗi.

 

- Phiên bản 3.x (1999-2000): Nguyễn Thư (thu@vietpage.com) -- hỗ trợ Win9X/ME, NT3.51/4, hỗ trợ Unicode một cách giới hạn trong một số ứng dụng.

 

- Phiên bản 2.x (1995-1998): Nguyễn Doãn Vượng (levan@hotmail.com) -- hỗ trợ Win9X, NT3.51/4 (không hỗ trợ Unicode).

 

- Phiên bản 1.x (1992-1994): Nguyễn Tấn Cường (ctn@alumni.stanford.org) & Vũ Châu (chauv@microsoft.com) -- hỗ trợ Windows 3.1.


THUẬT TOÁN KẾT HỢP
1.x & 4.x, 5.x - Ngô Ðình Học (hoc96@yahoo.com, trichlor@trichlor.org).

THẢO LUẬN VỀ KỸ THUẬT VỚI
1.x - Bùi Minh Cương (cuong_bui@yahoo.com).
1.x - Trương T. Tom (Tiến Vietnamese Software).


PHÔNG CHỮ VIỆT NAM
Phối hợp viên: Hồ Phước Hùng (phuochung@yahoo.com).
Công lao đóng góp của rất nhiều người, khó có thể kể hết. Xin cám ơn tất cả.

 

oOo

 

 

 

- Nguyên tác bằng tiếng Anh: Ngô Đình Học

- Dịch sang tiếng Việt: Trần Tư Bình

- Thiết kế Web: Trần Tư Bình